Bú bình đôi khi rất đơn giản với một số bé, nhưng một số khác lại hoàn toàn ngược lại, chúng có thể hoàn toàn cự tuyệt việc bú bình. Tuy nhiên, bé cũng không thể bú mẹ mãi vì bạn vẫn còn phải đi làm sau thời gian nghỉ. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài hướng dẫn để việc chuyển đổi từ bú mẹ sang bú bình diễn ra một cách suôn sẻ với bé.
1. Cách tốt nhất để cho bé bú bình là gì?
Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên đợi cho đến khi bé được ít nhất một tháng tuổi và bé đã hoàn toàn biết bú sữa mẹ rồi mới thực hiện cho bé bú bình. Nếu bạn phải đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản thì hãy bắt đầu cho trẻ bú bình ít nhất 2 tuần để cả bạn và bé có đủ thời gian điều chỉnh. Hút sữa từ bình đòi hỏi cử động miệng và lưỡi khác với bú mẹ. Vì vậy, bé có thể sẽ mất một chút thời gian để làm quen với sự thay đổi này. Hãy thử các mẹo sau để bé có thể chuyển đổi cách bú từ vú mẹ sang bú bình một cách suôn sẻ:
- Cho trẻ bú bình vào buổi tối sau khi bú mẹ như bình thường để trẻ quen với núm vú. Bắt đầu với một lượng nhỏ sữa mẹ, khoảng 15ml.
- Thử cho ăn theo nhịp độ và bắt chước cách bé bú mẹ. Bạn hãy sử dụng núm vú chảy chậm và để bình sữa nằm ngang. Trong khi bé bú, bạn hãy cho bé tạm dừng thường xuyên và đổi bên giống như khi bé bú mẹ. Bạn lưu ý là dừng cho bé bú khi bé có dấu hiệu no.
- Hãy nhờ một người khác cho bé bú bình trong lần bú đầu tiên. Vì nếu mẹ cố gắng cho bé bú bình trong lần đầu tiên này thì bé có thể thắc mắc tại sao bé lại không bú mẹ. Người khác cho bé bú bình sẽ làm cho bé bớt bối rối hơn.
- Trong khi tập bé bú bình, bạn nên cố gắng ra khỏi nhà vì bé có thể ngửi thấy mùi của mẹ và bé có thể biết rằng mẹ đang ở trong phòng.
- Em bé của bạn có thể không bú nhiều khi bạn vắng nhà và có thể bắt đầu thức giấc thường xuyên hơn vào ban đêm nếu bạn phải cách xa bé cả ngày. Đừng ngạc nhiên nếu điều này xảy ra và chỉ cần tận dụng những khoảng thời gian yên tĩnh và thân mật thì kết nối giữa bạn và bé sẽ diễn ra như bình thường.